26 tháng 7, 2016

Để Dây Thun Không Thể Kéo Giãn


Nếu bạn vô tình đánh rơi sợi dây thun, bạn có thể cúi xuống và nhặt nó lên.
Nếu bạn vô tình đánh rơi từng phút giây, bạn vẫn có thể “cúi xuống” nhưng chẳng “nhặt” được gì.




Cùng quay ngược trở về với lịch sử để thêm hiểu biết về dây thun. Dây thun là một đoạn ngắn của ống mủ cao su đã được cán luyện và hấp ở nhiệt độ cao, thường được sử dụng để nắm giữ các vật thể lại với nhau. Stephen Perry đã sáng chế ra dây thun tại Anh vào ngày 17 tháng ba năm 1845. Với một lịch sử hình thành lâu đời cùng với sự xuất hiện phổ biến ở khắp mọi nơi, “dây thun” ít nhiều cũng có những tác động đến bất kì ai trong chúng ta. 

Đặc điểm nào của dây thun xuất hiện đầu tiên trong bạn khi nghe nhắc đến nó?
1.“Kéo giãn” và “buộc chặt”
Ai trong chúng ta cũng biết đến khả năng “kéo giãn” và “buộc chặt” của dây thun. Điều đó thì có mối liên hệ gì với chuyện chậm trễ giờ giấc? Tại sao người ta lại đặt giờ giấc trên cùng một bàn cân so sánh với dây thun?
Thoạt nghe có vẻ bất hợp lý khi chúng ta ví von giữa một vật hữu hình – dây thun với sự vô hình – thời gian. Tuy ta có thể dễ dàng trả lời câu hỏi: “Bây giờ là mấy giờ?” hay biết được bao nhiêu tiếng, bao nhiêu phút, thậm chí là bao nhiêu giây nữa sẽ kết thúc một ngày nhưng không ai trong chúng ta có thể nhìn thấy hình thể của thời gian, không ai trong chúng ta có thể quay ngược lại thời gian nếu nó đã qua đi. “Thời gian đã mất không bao giờ tìm lại được” (Benjamin Franklin). Thời gian vẫn tồn tại nhưng chẳng phải nó vô hình đó sao! Chẳng phải sự gán ghép giữa thời gian và dây thun vô lý sao! Một câu hỏi đặt ra: “Chúng ta có nên bác bỏ khái niệm giờ dây thun?”. Hãy cùng nhau tìm kiếm câu trả lời.
Liên tưởng về đặc tính thứ nhất của dây thun, điều cốt lõi mà mỗi chúng ta cần phải sớm nhận ra đó là một khi đã quen với việc “kéo giãn” thời gian, bạn sẽ càng bị “buộc chặt” trong thói quen xấu này. Lúc đầu, bạn có thể trễ hẹn 5 phút, 10 phút,… bạn vội chạy đến và nói ngay lời xin lỗi trong sự ngại ngùng. Nhưng nếu việc bạn trễ hẹn thường xuyên hơn, chắc chắn cảm giác ngại ngùng ngày nào sẽ dần biến mất và cuối cùng, đối với bạn chuyện trễ giờ là hết sức bình thường. Chính vì thế, “trước đã trễ, nay còn trễ hơn” là điều không có gì khó hiểu. Chẳng phải vấn đề trễ hẹn cũng tương tự với việc bạn cầm trên tay một sợi thun và “kéo giãn” nó ra sao? Đến đây, ắt hẳn bạn không còn có ý định bác bỏ khái niệm giờ dây thun nữa phải không?
2.“Bạn có thể cho mình xin một sợi thun không?
    "Có hề gì, tôi có thể cho bạn hàng chục sợi ấy chứ!”
Một điểm đáng ghi nhận của dây thun mà ai cũng “ưa thích” đó chính là nó có nhiều công dụng cùng với giá thành rẻ. Chính vì vậy, không chút gì ngạc nhiên khi bạn thấy chúng xuất hiện ở nhiều nơi và cũng chẳng ai tỏ ra khó chịu nếu bạn lấy hay xin một sợi dây thun. Điều đó có khiến bạn nghĩ đến điều gì không?
Đó chính là khả năng “lan tỏa” mạnh mẽ của “căn bệnh giờ dây thun”. Bạn có thể dễ dàng mắc phải căn bệnh này nếu bạn thường xuyên là người phải chờ đợi. “Chắc giờ này cũng chưa có ai tới đâu” sẽ là suy nghĩ đầu tiên xuất hiện cho một cuộc hẹn mà đối tượng chính là những ai đã từng để bạn “chờ mỏi mòn”. Chính sự suy đoán về khả năng phải chờ đợi khiến bạn vô tình hình thành nên thói quen trừ hao thời gian (đến trễ hơn để không phải đợi chờ) và tác hại hơn là vô tình mắc phải “bệnh giờ dây thun”. Điều đó chẳng phải đã cho chúng ta thấy được khả năng “lan tỏa” không ai ngờ đến của căn bệnh này sao?
3.Khả năng “tự đứt”, không đứt rời rạc
Dây thun buộc mãi cũng đứt, thậm chí kể cả khi bạn không dùng đến nó, nó cũng sẽ “tự đứt”. Đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ nghĩ đến việc “bệnh giờ dây thun” lâu ngày cũng sẽ tự hết tương tự với những sợi dây thun tự đứt theo thời gian phải không? Mọi thứ có thật sự đơn giản như vậy?
Đặc tính thứ ba của dây thun muốn đề cập đến “hậu quả dở dang” một khi đã mắc phải “bệnh giờ dây thun”. Hãy giả sử phân chia một sợi dây thun đã đứt thành phần đầu, phần giữa và phần cuối, cách tiếp cận với mọi vấn đề của bạn cũng chỉ là một hay nếu tốt hơn là hai phần trên sợi thun đã đứt. Đối với bạn, hai chữ “toàn bộ” dường như là không thể. Bắt đầu một nhiệm vụ với những thông tin dở dang thì kết quả mà bạn nhận được cũng chỉ là sự dở dang. Nếu đã mắc phải “bệnh giờ dây thun”, chắc bạn phải hiểu rõ hơn ai hết hậu quả này.
Hậu quả do một căn bệnh gây ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bị bệnh, đồng thời nó cũng tác động đến những người xung quanh. Bạn không quen với việc đúng giờ, bạn không có cuộc hẹn nào sau đó nên buổi gặp mặt này có kết thúc trễ cũng không sao. Đó chẳng phải là sự ích kỉ sao khi bạn chỉ quan tâm đến thời gian, công việc của mình và vô tình khiến người khác chịu “hậu quả dở dang”:
Anh có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không”      (Benjamin Franklin)

Các bạn sinh viên ngày nay không chỉ chú trọng đến kiến thức chuyên ngành mà còn đặc biệt quan tâm đến kĩ năng mềm. Điều đó thật tốt! Bạn là người có kiến thức chuyên sâu, bạn thuyết trình hay, tự tin và thu hút người nghe, trình vào ngày mai nhưng bạn chỉ thiếu duy nhất một điều đó là “chuyện giờ giấc”. Tất cả mọi thứ vốn dĩ đã chuẩn bị tốt trước đó đều không mang lại kết quả như mong muốn chỉ vì đến trễ. Bạn có đủ tự tin thể hiện kiến thức và kĩ năng của mình khi bạn đã chắc chắn là mình sẽ đến trễ? Mọi người có dễ dàng tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng cho bạn những lần sau đó?
Tác hại của giờ dây thun là điều ai cũng thấy và thậm chí từng là “người trong cuộc”, vậy làm thế nào để loại bỏ dần và cuối cùng là hoàn toàn?
Tạo thói quen đến trước giờ hẹn để tránh việc trễ giờ do một số tình huống bất ngờ xảy ra. Nếu đã lỡ đến trễ, hãy xem lại nguyên nhân nào khiến mình đến trễ chứ đừng hờ hững bỏ qua dễ dàng bởi những nguyên nhân này sẽ dễ dàng lặp lại nhiều lần sau đó. Và quan trọng hơn cả, đối với những ai đã mắc “bệnh giờ dây thun” thì hãy làm quen ngay với kĩ năng quản lý thời gian, đối với những ai may mắn chưa mắc phải bệnh này, hãy duy trì kĩ năng quản lý thời gian và phát triển nó thành thói quen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét